Bàn Thông Thiên

Bàn Thông Thiên

Ở miền Tây, hầu như trước sân nhà nào cũng có một Bàn Thông Thiên. Do quen miệng nên người dân thường gọi nhầm là “Bàn Ông Thiên”, chứ thật ra chẳng có ông Thiên nào hết (mặc dù có ông Địa).

Cái bàn thờ này nguồn gốc do lưu dân khai khẩn vùng đất Nam Bộ làm ra và truyền lại. Ý nghĩa là để tạo cầu nối giữa trời và đất; đồng thời dùng làm nơi dâng cúng lễ vật cho quỷ thần, đổi lấy sự phù hộ tâm linh nơi vùng đất lạ.

Bàn Thông Thiên gồm một cây cột gỗ cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Ở trên bàn để lư hương nhỏ đại diện cho trời, dưới chân trụ để một cái tương tự đại diện cho đất. Trên bàn để kèm một hũ gạo và một hũ muối, nếu không thì để 3 cái ly đầy nước cắm bông trang hoặc 3 chum rượu nhỏ cũng được. Sở dĩ số lượng là 3 bởi vì cúng cho trời, đất và ông bà tổ tiên. Tất cả những vật này sẽ được thay mới sau đúng một năm – vào dịp Tết. Ngoại trừ những dịp lễ tết hoặc trong nhà có đám, việc đốt nhang thắp luôn diễn ra vào lúc chiều tối.

Trong những ngày nắng đẹp, Bàn Thông Thiên đôi khi được tận dụng để phơi vài hũ mắm hoặc tép chao.