Chí Phèo Ngoại Truyện

Chí Phèo Ngoại Truyện

Điện ảnh Việt Nam đang thừa mứa những bộ phim chọc cười trong khi lại khan hiếm những bộ phim hành động có đầu tư. May mắn sao, chúng ta có Chí Phèo Ngoại Truyện như một ngoại lệ.

Đạo diễn Danny Đỗ đã làm việc gần 11 năm cho giấc mơ sản xuất một bộ phim đầu tiên của anh ở Việt Nam, 28 ngày quay khó nhọc, và một năm lên kế hoạch và tái cấu trúc. Kết quả ra sao? Không tệ một chút nào.

Dàn diễn viên đình đám

Sự lựa chọn dàn diễn viên ban đầu gây nghi ngại khá nhiều. Cặp đôi Tiến Luật – Thu Trang đang hot với những vai hài thì được mời đóng ngay vai hành động. Còn ca sĩ Phương Thanh nữa, liệu chị sẽ đóng một vai nào đó hay hát hò trong phim mới ư?

Tất cả suy đoán đều sai. Cặp đôi Chí “Phèo” và “Thị” Na vào vai đầy tự tin. Tiến Luật – “Tao không phải là Chí Phèo”, không cục súc và ăn vạ như trong truyện; trái lại còn sống rất tốt, biết suy nghĩ, sống cho người khác. Thu Trang nhập vai thám tử Na khá tốt, có lẽ do đã có kinh nghiệm vai mẹ Mưa ngơ ngẩn từ Nắng. Cô khờ dại, đáng yêu, đáng thương và… tếu tếu. Thêm vào đó, lợi thế vợ chồng khiến cô và Tiến Luật đóng những cảnh mũi mẫn trong phim không bị sượng. Phương Thanh là nhân vật phụ bổ trợ chọc cười cho Luật – Trang với vai Cô Đẹp. Biểu cảm của một người phụ nữ trưởng thành như chị Chanh vừa khít với bà cô Thị Nở se sua và “tâm lý”.

Kiều Minh Tuấn khá biến thái. Biểu cảm của anh là những cái nhăn mặt, liếm mép, la hét eo éo như em bé; nhưng vẫn giữ phong cách ăn mặc đẹp. Phở Đặc Biệt thì... Cảnh đánh đấm nào cũng hụt. Ngoài mái tóc G-Dragon thì chẳng có gì đặc biệt. Nhạt. Nhan Phúc Vinh không chỉ đơn thuần là một nhân vật phản diện với bề ngoài soái ca mà anh còn có chiều hướng tâm lý thú vị, xứng đáng vào vai trùm băng đảng.

"Nếu cuộc sống có công bằng thì người tốt không chết đâu"

Sát thủ lạnh lùng Ilram Choi như một ngôi sao lạ vút qua trong phim hay này. Anh là một trong 10 diễn viên cascadeur hành động nổi tiếng nhất Hollywood, từng tham gia các siêu phẩm Avatar, Spider-man… Những pha đánh đấm của anh mạnh mẽ, dứt khoát, làm mãn nhãn người xem.

Kỹ thuật sản xuất chất lượng

Nhạc phim góp một phần cực kỳ quan trọng trong Chí Phèo Ngoại Truyện. Bài rap chủ đề “Mặt Sẹo” do Wowy sáng tác và đồng thể hiện với Khánh JTA nghe rất bắt tai. Chọn chất nhạc underground của Wowy đưa vào rạp chiếu phim là một quyết định tuyệt vời. Oh well I guess, có lẽ sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu chọn Wowy vào vai Chí Phèo.

Teaser và nhạc phim khá "bốc"

Mặc dù tự nhận phim hài nhưng các pha hành động của Chí Phèo Ngoại Truyện được làm chăm chút. Từ đập chai bia vào đầu, đánh nhau giáp lá cà, cận chiến bằng dao cho tới cuộc đối đầu tay đôi giữa Thiên Bá và gã cận vệ trên cao, tất cả đều rất đẹp mắt. Các pha hành động là điểm sáng trong phim.

Thiết kế trang phục tốt. Gu ăn mặc của các nhân vật rất “chất”. Cặp đôi Na và Chí mặc bộ đồ đảm bảo tính thám tử đường phố nhưng không quá lố. Băng đảng của Thiên Bá ai cũng mặc vest lịch lãm. Góc quay và màu sắc cũng đúng phong cách phim của đạo diễn hải ngoại. Ánh sáng phản chiếu trong các cảnh tối mờ ảo, huyền diệu. Hầu hết cảnh quay đều ở trong các hẻm quận 4, quận 5 Sài Gòn, đây là những địa điểm quan trọng tiêu biểu, đủ để người xem có một cái nhìn thực tế vè câu chuyện Chí Phèo thời hiện đại. Nhiều cảnh quay “ăn tiền” như đánh nhau trong ngôi nhà hoang u ám trong đêm, cảnh ngồi tâm sự đêm khuya bên bờ sông Sài Gòn lãng mạn, cảnh đánh nhau ở bến cảng, trong kho bột mì…

Những thiếu sót

Bên cạnh những điều đã làm được thì Chí Phèo Ngoại Truyện cũng có vài vấn đề.

Thiếu sót lớn nhất của phim là trọng tâm quá nhiều vào Chí, Na và Cô Đẹp. Các nhân vật quan trọng khác xuất hiện quá mờ nhạt. Hai chàng phản diện ngầu nhất chỉ thật sự xuất hiện ở cảnh chiến đấu cuối phim. Tí Đôrêmon có thoại quá ít, bà Kiều (Nam Thư) cũng vậy. Phải chi làm nổi bật hơn mối quan hệ giữa cô với Sáu Bảnh thì sẽ thú vị hơn.

"Giống như các em xinh đẹp chỉ bán bánh vào ban đêm"

Thứ hai, phim có nhiều chỗ phi logic. Sáu Bảnh bị đánh gãy xương đễn nỗi bó bột, lại còn bị cái giường ở bệnh viện gập đôi người mà ngay cảnh sau đã thấy anh ta nhảy nhót, đấm đá như chưa hề bị gì. Tí Đôrêmon nhiều lần phát hiện Chí nhưng lại không hô hoán lên. Ở gần cuối phim, khi gã cận vệ chạy trốn lại chạy lên cao, ngay chỗ không có lối thoát!? Nếu chỉ là phim hài thì không sao nhưng do có thêm yếu tố trinh thám cho nên những việc phi logic sẽ ảnh hưởng lớn tới người xem. Yếu tố phá án cũng chưa thuyết phục. Hầu hết những khám phá của Na đều do “ăn may” chứ không được đúc kết từ logic, mà lại nhiều lần chứ không phải chỉ một lần. Có thể nào lại có may mắn trùng hợp nhiều đến vậy không? Phim trinh thám không nên như vậy.

Thêm vào đó, cái kết phim cũng gây khá nhiều thắc mắc. Kết cục của nhân vật phản diện chính, ông trùm Thiên Bá – sẽ như thế nào? Liệu Chí Phèo và Thị Nở sẽ lấy nhau? Không ai biết.

Nếu có phần 2, hi vọng đạo diễn Danny Đỗ sẽ rút kinh nghiệm và xử lý tốt hơn những vấn đề này.

Tổng kết

Chí Phèo Ngoại Truyện là một bộ phim giải trí tốt với sự pha trộn của yếu tố hành động, hài hước, và trinh thám. Liệu phim có cân nổi với những bộ phim chiếu rạp bom tấn Hollywood khác cũng đang chiếu trong tuần này không? Không thể nói trước nhưng tiềm năng là rất lớn. Hãy chờ xem.