Chùa Xiêm Cán

Chùa Xiêm Cán

Chiều nay gió đông về, chùa Xiêm Cán vắng hút, thi thoảng vài chiếc xe máy chạy qua, phóng vút ra hướng nhà máy điện gió. Không có nắng, mặt trời đã bị che phủ bởi những đám mây xám ngắt, mấy chiếc lá cuối thu bay lửng lơ. Khuôn viên chùa vốn đã âm u vì vậy lại càng hiu hắt hơn. Cái quán cà phê lụp xụp bên kia đường phát bài gì mà “Em ơi đông lại về từ trăm năm lạnh giá”.

Ngày trước, tôi là một đứa trẻ mê vẽ hay đạp xe tới đây, nhìn những cây thốt nốt khổng lồ, nhìn những ngọn tháp, những bức tượng, những phù điêu kỳ vĩ, rồi tập vẽ lại. Thế nên, tôi biết nhiều điều về ngôi chùa này.

Trái ngược với Quán Âm Phật Đài ồn ào và nhộn nhịp, chùa Xiêm Cán là một nơi tĩnh lặng tuyệt đối. Chỉ có các vị sư, vườn cây cổ kính, đàn chim, đàn dơi sống ở đây. Không gặp những người bán nhang đèn, trái cây, nước suối; cần mua gì đã có mấy cái quán ọp ẹp xung quanh chùa bán đủ thứ rồi. Thậm chí không có cả dịch vụ giữ xe, khách vãng lai tới chỉ việc đậu xe trước mái hiên chùa. Thứ “ngon lành” nhất bạn có thể mua ở đây là những tô bún lèo và những cái bánh cóng nóng hổi bán phía trước cổng.

Ở cổng chùa có một người phụ nữ điên ngồi chắn lối vào, người này hay cười vu vơ, thi thoảng xin tiền lẻ mua nước uống, đôi khi hỏi thăm những người đi qua trước mặt, kiểu như sao lâu quá không thấy ghé thăm. Sân chùa rộng, sạch, và yên tĩnh lắm. Sáng chủ nhật hay có vài tốp học sinh tiểu học đạp xe vào tập nghi thức, nhiều đứa trong số đó có anh là sư trong chùa. Những sư ở đây rất trẻ, đa phần là con em những gia đình gần đó. Người Khmer rất mộ đạo Phật, ngay từ nhỏ họ đã gửi con trai trong nhà vào tu, sau hai năm thì hoàn tục, thích thì tu tiếp. Hằng ngày, ngoài việc học kinh kệ, những vị sư này còn chăm lo nhiều việc như làm vườn, quét dọn, rinh đất. Những chú nhỏ thì được phân làm việc nhỏ hơn như chăn heo chẳng hạn. Có lúc tôi thấy tất cả tập trung sơn lại chùa, những bàn tay đen thui gầy guộc vẽ thật đẹp, thế mới biết bất cứ ai cũng có thể là nghệ sĩ. Chiều về là lúc cả chùa tập trung tắm rửa, cười đùa bên cây bơm nước.

Lâu lâu lại có một, hai sư đi khất thực. Trên mình quấn mỗi tấm cà sa màu cam, vai quảy cái túi cũng màu cam nốt, đầu không đội nón, chân không mang dép, họ ôm cái y bát đi khắp vùng, xuống tận Giồng Nhãn, Cây Dương, Nhà Mát. Tại sao họ dùng vàng để dát tường rào mà lại phải đi xin ăn? Đó là câu hỏi của đứa trẻ năm xưa.

Cho tới giờ vẫn chưa có câu trả lời.