Chuyện nghe trên xe buýt 139

Chuyện nghe trên xe buýt 139
Photo by Kim Hanh Do / Unsplash

Chuyến xe buýt số 139 trưa ngày 15/4 từ Phú Xuân về Bến Xe Miền Tây ghé trạm Hoàng Diệu rước lên một người đàn ông cụt chân phải, chống nạng. Cô gái ngồi ghế kế cửa sau liền đỡ ông bước lên ngồi chỗ kế bên tôi. Cả hai đều im lặng. Một lúc sau, tôi nghe cô gái bắt chuyện:

“Chú là thương binh hả”

“Ừ, chú bị vầy trong trận An Lộc. Nhà con cũng có người đi lính Quốc Gia hả?”

“Dạ không chú. Cha con là thương binh, chú con thì hy sinh. Bà nội con là mẹ Việt Nam Anh Hùng”

Người đàn ông có vẻ hơi ngỡ ngàng. Ông lấy ống quần tây lau lau cây nạng, đôi mắt vẫn không hướng lên nhìn cô gái rồi hỏi thầm “Vậy con ở đâu”

Như được mở lòng, cô gái vui vẻ tuôn ra một hơi “Dạ con ở Bến Tre. Con lấy chồng cũng được mười mấy năm rồi. Giờ ở dưới nuôi dê. Mà nuôi dê thì phải lâu dài mới có tiền…”

Người đàn ông lẩm bẩm “Ờ, Bến Tre, vùng Việt Cộng chúa luôn”

Giọng cô gái bỗng trầm xuống “Vinh hạnh gì đâu chú ơi. Con thấy thương cha con lẫn chú vì đều vị quốc vong thân. Người bị chính tổ chức của mình đối xử tệ bạc sau hòa bình. Người mất đi bộ phận cơ thể”

Người đàn ông lúc này mới ngước nhìn cô gái cười nói “Có gì đâu con ơi. Thời chiến mà, trở về được là may mắn rồi. Ông anh rể của chú có vợ cũng bị gọi lên đường. Trận đầu tiên ổng ra trận bị trúng đạn chết luôn”

“Dạ. Giờ hòa bình mấy chục năm rồi cũng đỡ khổ. Mà chú làm gì”

“Chú bán vé số. Lúc trước chú có thử về quê nhưng mà khó sống quá nên trở lại SG. Thôi con giúp chú xuống trạm Kinh Dương Vương nha. Giờ này là giờ chú về nhà trọ ăn cơm trưa”

Cô gái khẽ gật đầu rồi cẩn thận dìu ông bước xuống bậc cửa. Ngoài trời nắng vàng tươi.

Trên quãng đường còn lại, tôi chợt ngẫm ra một chân lý: Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng sẽ bị thay thế. Nhưng chỉ có cái tình con người với nhau mới thật sự quý giá và tồn tại mãi với thời gian.