Chuyện tình hoa mai

Chuyện tình hoa mai
Photo by Richard Austin / Unsplash
Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh

Bài thơ Người Con Gái Lầu Hoa in trong tập thơ cùng tựa, xuất bản năm 1942, của nhà thơ Nguyễn Bính dành tặng Tú Uyên – tên thật là Nguyễn Thị Tuyên, em gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp ở đầu phố Bạch Mai, giáp phố Huế, Hà Nội.

Mai trắng là phố Bạch Mai, còn mai vàng là phố Hoàng Mai, hai con phố cổ ở Hà Nội. Hoàng Mai cũng trùng hợp là tên căn gác, chính xác hơn là một căn nhà nhỏ mà Nguyễn Bính thuê ở chung với Đức Trấn trong thời gian ở Huế.

Đế kinh là phố Huế, một phố giáp phố Bạch Mai.

Còn mộng ba sinh? Ba sinh là một chữ trong Truyện Kiều: “Ví chăng duyên nợ ba sinh”. Ba sinh hay tam sinh tức là ba kiếp chuyển sinh: quá khứ, hiện tại và vị lai. Nguyễn Bính thần tượng Nguyễn Du nên ông mượn chữ trong thơ của Nguyễn Du không có gì là khó hiểu.

Có hai bài hát phổ từ bài thơ này, đó là bài Chuyện Tình Hoa Mai của Anh Bằng và bài Người Đẹp Lầu Hoa không rõ tác giả. Nhạc sĩ Châu Kỳ cũng mượn tựa bài thơ đem vào bài hát nổi tiếng Giọt Lệ Đài Trang của ông: “Tôi, chính tôi ngày xưa đó, cũng đèo bồng mơ người đẹp lầu hoa”.