Đê biển Bạc Liêu

Đê biển Bạc Liêu

Trên tổng số chiều dài 56 km giáp biển của tỉnh Bạc Liêu, còn khoảng 18 km từ cánh đồng điện gió nối dài tới thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là chưa được trải nhựa. Lý do dễ hiểu: Đoạn này là nơi quá thưa thớt dân cư và đã có tỉnh lộ 31 cách không xa lắm. Tôi thì tin rằng những nơi đẹp nhất là những nơi ít dấu chân người cho nên hôm nay quyết định tôi phải đi một chuyến tới đó tìm hiểu, gọi theo ngôn ngữ báo chí là ký sự. Ký sự về 18 km đê biển Bạc Liêu nơi không có khách du lịch nào tới. Có nhà báo nào làm chưa ta!? Chắc là không.

Hôm qua dù có mưa lớn nhưng hôm nay trời nắng đẹp lại nên lái xe không cực lắm. Con đường đất cứng đã bị nghiền nát dưới đủ loại bánh xe tải, xe máy, máy ủi, xáng múc…. chạy qua hàng ngày. Cóc kèn, sâu lức, cỏ may, bình bát,… thỏa sức mọc dại dọc đầy theo hai bên đường. Bên phải đường là bờ biển Đông bạt ngàn rừng đước. Bên trái đường là những ao tôm công nghiệp vuông vức cũng đầy nắng gió. Tôi thấy những căn nhà lá bạc màu cũ kỹ cách nhau một khoảng khá xa. Không một căn nhà tường kiên cố nào, nhưng tháp canh bằng gạch tráng xi măng ở các góc ao tôm thì nhiều, trông giống như tháp canh nhà tù thường thấy trong phim Mỹ. Bao quanh ao tôm còn các hàng rào lưới để chống trộm và ngăn giáp xác từ bên ngoài xâm nhập vào. Nhiều người Khmer sống ở đây. Lúc tôi dừng xe uống nước dưới tán cây, có hai người đàn ông đi chài cá ngược hướng hỏi tôi Bòn tâu na (anh đi đâu?). Giá biết tiếng Khmer tôi sẽ trả lời rằng tôi đi bắt cá sấu trong rừng đước. Mà câu duy nhất tôi biết là Bòn tâu na cho nên chỉ cười chừ chỉ tay vô phía rừng đước. Nhắc tới đước, ở chỗ bị sóng biển xâm thực nuốt không còn cây đước nào, chính quyền cho máy ủi và xáng múc tới đắp “vạn lý trường thành” cao huốt đầu người. Lại còn trồng thêm một bãi đước bên ngoài, nghe đâu trồng chục năm mới lớn. Đắp tới đâu, người phu mắc cao su lên cành đước làm chòi ăn ở nấu nướng ngủ nghỉ tới đó. Trong chòi thấy có cái giường bằng ván mỏng, mấy thùng nước lọc 20 lít, dưới nền đất nồi niêu xoong chảo và các thứ vật dụng linh tinh khác bày ra bừa bộn. Sử cũ chép cha ông ngày xưa mang gươm đi mở cõi, còn sử nay chắc nên có một chương chép con cháu đem máy xúc đi đắp cõi. Chuyện nào cũng là bài học đáng cho thế hệ mai sau ghi nhớ.

Nếu nói theo cái kiểu mở bài-thân bài-kết bài nhàm chán học ở trường phổ thông thì cái kết bài sẽ là nhận xét chung về nơi này. Không có chữ nào phù hợp hơn ngoài chữ mênh mang. Đúng vậy. Cả một vùng đất bạt ngàn ao tôm với những con người lạc quan sống chết cùng nắng gió khắc nghiệt nhưng vẫn bám trụ. Trước khi đi tôi có đọc lại chút sử liệu cũ, rằng khi lập tỉnh An Xuyên (1956), chính quyền VNCH đã rất e ngại rằng:

Vùng bờ biển từ cửa Gành Hào tới cửa Bồ Đề trong vòng 65 năm nữa sẽ bị lở hết. Đồng bào nơi đây cần chuẩn bị dời sâu nhà vô trong rạch thêm năm, ba cây số nữa.

Dự đoán đó cho tới bây giờ có lẽ đúng. Biến đổi khí hậu đâu còn là thứ gì xa vời. Nó chính là triều cường dâng lên khiến những con đường chính trong nội ô thành phố trở thành sông lớn. Nó là từng đợt sóng dữ đang ngày đêm gặm sạch bờ biển ở đây.

Đàn thiên thu đứt dây tơ rồi
Theo sóng vàng cát lỡ sông bồi
Còn chi nữa, biển dâu đã bao đổi dời

¹ Điệu Buồn Phương Nam của Vũ Đức Sao Biển