Facebook nên trả tiền cho chúng ta!

Facebook nên trả tiền cho chúng ta!

Đa số chúng ta đều vô tư sử dụng Facebook vì nó miễn phí. Nhưng theo lý mà nói, chúng ta nên được Facebook trả tiền nếu sử dụng dịch vụ này. Bởi vào cuối năm 2017, lần đầu tiên Facebook tuyên bố rằng lợi nhuận bình quân tính trên mỗi đầu người sử dụng dịch vụ là $5. Thành công của Facebook phụ thuộc vào yếu tố tiếp thị thông minh, đồng thời cũng là mảng tối đáng sợ nhất của Internet: truy cập vào mối quan tâm của chúng ta.

Rất nhiều, nếu như không muốn nói rằng hầu hết những dịch vụ trực tuyến đều được tài trợ bằng quảng cáo. Những nhà quảng cáo trả tiền để được xuất hiện trên newsfeed của Facebook, Instagram hoặc để tăng hạng trong trang kết quả tìm kiếm của Google. Không phải người sử dụng nào cũng nhận thức được điều này, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên.

Một cuộc khảo sát bởi Ofcom năm 2017 tại Anh cho thấy chỉ có 43% người sử dụng Internet từ 12 đến 15 tuổi được khảo sát biết rằng trang kết quả tìm kiếm đầu tiên của Google gần như là quảng cáo được trả tiền. Trong số đó, lại chỉ có một nửa hiểu cách thức hoạt động của quảng cáo cá nhân hóa và cách Google hoặc YouTube kiếm ra tiền.

Một nghiên cứu khác của Anh – Mỹ xác nhận rằng hiệu ứng phân loại mục tiêu theo tâm lý đã được sử dụng trong hoạt động chạy quảng cáo của Facebook. Trong cuộc thí nghiệm này, khoảng 3.5 triệu phụ nữ sử dụng Facebook được phân loại “hướng nội” hay “hướng ngoại” chỉ thông qua một cái nhấn Like. Tùy thuộc vào hồ sơ tâm lý, hình minh họa quảng cáo sẽ là hình ảnh một phụ nữ mắc cỡ nhìn vào tấm gương hay một phụ nữ đang nhảy múa. Cả hai đều quảng cáo cùng một loại mỹ phẩm. Kết quả nghiên cứu nói lên tất cả: những quảng cáo cá nhân hóa nhận nhiều hơn đến 40% lượt click vào và doanh số tiêu thụ sản phẩm gần như cao gấp đôi. Điều đó đã khiến bạn sợ hãi chưa? Lấy thông tin của bạn thông qua một cái Like.

Người dùng ở lại trên nền tảng càng lâu, doanh thu từ quảng cáo càng cao. Để làm được như vậy, các công ty như Facebook phải làm cho người dùng bị lệ thuộc. Từ việc thiết kế giao diện người dùng (UI) gây nghiện cho tới việc thao túng newsfeed của chúng ta: Facebook cho hiển thị những page hoặc mẫu quảng cáo trên newsfeed (nghe nói sắp chèn vào cả Messenger), Instagram thì luôn ưu tiên hiển thị những người dùng là “influencer” của những mỹ phẩm/thời trang/ăn uống, còn YouTube cứ cái gì nhiều gì nhiều người xem là quăng vào Trending hết, bất kể tốt hay xấu, vô nghĩa hay thú vị. Người dùng dù muốn hay không cũng phải thấy những thứ tào lao này.

Chúng ta đã quá quen với hệ quả của các mô hình kinh doanh được tài trợ bởi quảng cáo kiểu như vậy đến nỗi nhiều người tin rằng hầu như không có lựa chọn thay thế. Chúng ta đã sai. Có nhiều lý do để chúng ta nghĩ về những mô hình kinh doanh thay thế khác. Bạn có bao giờ mơ về một mạng xã hội không phụ thuộc quảng cáo? Đó chắc chắn sẽ là một nơi khác xa so với những mạng xã hội hiện tại ở nhiều khía cạnh. Nhưng trên hết vẫn là vấn đề bảo mật thông tin. Nếu không có quảng cáo, người dùng chắc chắn sẽ không bị định vị. Sẽ không cần thiết sử dụng những phần mềm mã hóa riêng tư nữa. Những thiết lập tiêu chuẩn sẽ làm giùm việc đó. Nếu có thu thập dữ liệu để cải tiến dịch vụ thì tất cả dữ liệu sẽ ở dạng ẩn danh…

Hãy nhớ, chúng ta có quyền chọn lựa dịch vụ nào sẽ gắn bó. Phải biết tự trang bị những công cụ để bảo mật thông tin cá nhân của mình. Tuy nhiên, điều mong muốn lớn hơn hết là những dịch vụ khổng lồ chiếm vị trí trong cuộc sống của hàng trăm triệu người sẽ cho phép họ tự quyết với thứ họ quan tâm, muốn thấy.