Hai bức tượng

Ngoài biển, chỗ gần nhà máy điện gió, có cái chòi xập xệ bên trong là hai bức tượng Phật ngồi chơ vơ xoay mặt về phía biển. Tượng nhỏ màu trắng bên phải khá giống Phật, còn tượng to hơn bên trái lại có râu và ria mép giống Ông Tà – một nhân vật trong tín ngưỡng Khmer Nam Bộ. Cả hai đều làm từ xi măng. Nguyên đây là hai bức tượng không rõ nguồn gốc do sóng biển đánh vào bờ, người đi cào sò vui tính nào đó đã nhặt lên rồi cất cái chòi che mưa che nắng cho ‘hai ông’. Không nhang không khói, cái chòi ở đó đã mấy năm.
Lần nào đi ra nhà máy điện gió, tôi cũng ghé vào xem hai bức tượng có còn ở đó không. Bữa nọ, một ông chú mình mẩy đầy sình đất đang ngồi cào nghiêu thấy tôi ngứa tay thử độ chắc của mấy cây kèo liền la lên “Đừng phá mậy, cái miếu đó thiêng lắm, sóng gió quật ầm ầm mà chưa có tốc mái lần nào hết”. Hôm khác, tôi gặp một người phụ nữ Khmer chắp tay trước tượng, dưới chân là xô đựng rất nhiều sò tươi. Thấy tôi nhìn, chị cười hì hì nói rằng “Phật này thiêng lắm, xin cho có nhiều sò để cào là có à, nên xong phải cám ơn ổng”. Ra là linh thiêng.
Đạo Phật ngày nay không còn như nguyên thủy. Chùa kia hồn nhiên đặt tượng lãnh tụ kế bên tượng Đức Phật. Sư nọ giảng “Trung Quốc là anh em, Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh là hỗn”. Khóa tu mùa hè tổ chức cho học viên công khai tỏ tình trên sân khấu. Người ta đi chùa mà mang trong tâm bao thứ xấu xa, đê tiện bởi họ cho rằng họ có thể dùng vật chất trần tục đổi lấy sự phù hộ thiêng liêng của thần thánh. Ngay chính các nhà sư (ở đô thị) phần nhiều cũng không còn trồng trọt đổi gạo hoặc khổ sở đi khất thực như xưa nữa. Giờ họ chăm chút bàn thờ phật trong chùa thật đẹp để mong phật tử cúng dường thật nhiều, để xây những ngôi chùa lầu cao gác tía, để xây những bức tượng Phật cao to uy mô nhất Đông Nam Á. Nhưng mà tất cả rồi để làm gì, tôi tự hỏi?
Đại Bát Niết Bàn kinh và Du Hành Kinh chép lại lúc Phật Thích Ca Mâu Ni sắp nhập niết bàn, ngài căn dặn đồ đệ A Nan rằng:
“Chỉ có giữ gìn chánh Pháp, thực hành chánh Pháp, tuân theo ngũ giới mà làm mới đúng là cung dưỡng Như Lai chân chính”
Chữ cúng dường ngày nay nói trại từ chữ cung dưỡng mà ra.
Cách hiểu hiền hậu, nguyên sơ của người phụ nữ cào sò nọ phải chăng chính là ánh đạo vàng trong tâm!?