Lý con sáo Bạc Liêu

Lý con sáo Bạc Liêu
Photo by aboodi vesakaran / Unsplash

Trong số những bản nhạc chủ đề đất Bạc Liêu thì Lý Con Sáo Bạc Liêu xếp vào hàng tuyệt phẩm bất hủ (với bản thu đầu tiên của Phi Nhung năm 1999).

Đúng như tên gọi, bài này nhạc sĩ Phan Ni Tấn mượn giai điệu trong dân ca lý con sáo Bạc Liêu – hay còn có tên khác là lý con sáo sang sông:

Ở, ở, ai xui mà con sáo cái mà qua sông, cái mà qua sông, cho nên cái mà con sáo… Ở, ở sổ lồng cái kìa bay xa, cái kìa bay xa. Cái lý song mã, cái lý xàng xê, đôi ta về, đồng ruộng ơi, sáo bay xa

Bài Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng mượn chất liệu lý con sáo Bạc Liêu kết hợp với Dạ cổ, nhưng điểm khác biệt là ông vận dụng điệu Dạ cổ nhiều hơn.

Thú vị sao là ca từ, nhạc sĩ Phan Ni Tấn mượn từ nhiều bài ca dao lẫn phương ngữ Nam Bộ, nên sau này các ca sĩ không hiểu rồi hát tam sao thất bổn hết. Thí dụ như:

Qua – bậu: Cách xưng hô của người con trai đối với người con gái họ có ý thương mến.

Trách chi câu thề khi nào cầu Quay nọ hết quay: Chắc ai ở Bạc Liêu cũng biết cầu Quay (cầu Kim Sơn). Nhưng ít ai biết cầu Quay xây từ thời Pháp thuộc, ban đầu làm từ sắt và có trục giữa, có thể quay đầu 2 bên qua lại với nhau lẫn cho tàu thuyền đi qua. Sau này thời VNCH thì cầu mới xây lại bằng bê tông. Trai gái hồi xưa hay thề khi nào cầu Quay hết quay thì hết yêu nhau, mà hổng ngờ cầu Quay bây giờ đã hết quay thiệt !

Dây can thường: Sợi dây được ví von quấn chặt tình nghĩa vợ chồng. Dây đứt cũng như tình nghĩa không còn.

Gió đưa con sầu bù non bù nước khóc than: Gió đưa con sậu (sáo sậu) – cái này đơn giản là chỉ để khớp nốt nhạc, ai ca vọng cổ sẽ biết. Còn bù non bù nước là tính từ ý nói ngồi than khóc huhu, gần giống với “bù lu bù loa”.

Vì chưn lẻ bạn: Chưn là cái chân.

Còn Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều nguyên văn từ câu ca dao:

Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng !