Mạng xã hội

Mạng xã hội

Thật khó tin là chỉ mới đây thôi, có một quãng thời gian mà hàng loạt mạng xã hội ra đời. Và bất cứ người trẻ ngây thơ nào cũng sẽ đăng ký một tài khoản cho mỗi dịch vụ. Mỗi cái giới thiệu một khía cạnh nào đó của người dùng – như gu thưởng thức nhạc (MySpace), check-in tiệm cà phê (Foursquare) và sự trầm tư mặc tưởng (Twitter).

Dần dà Facebook, Instagram, Twitter thống trị tất cả. Đó là những dịch vụ mà chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm và biết được công việc thật ngoài đời của người khác cũng như ngày tháng năm sinh, bao nhiêu con, tình trạng hôn nhân các kiểu. Chính vì sự mở rộng không ngừng của mình, chúng trở nên hỗn loạn và bừa bộn. Việc bạn đăng bất cứ thứ gì trong cuộc đời lên mạng xã hội trở nên quá ư bình thường, ít nhất là trên lý thuyết.

Mạng xã hội trở thành một cuộc sống thứ hai và đem tới nhiều phiền toái: thị phi, tai tiếng hoặc là cả lạm dụng, quấy rối. Những dòng status hay dòng tweet bạn đăng từ đời nào chính là vũ khí bị những người có dã tâm sử dụng để chống lại bạn nếu họ muốn.

Facebook ghê gớm hơn cả với những nội dung quảng cáo chọc cười bệnh hoạn, phơi bày cảm xúc quá lố hay đơn giản là những tấm hình vô nghĩa. Những phong trào như #deletefacebook ra đời để kêu gọi bảo vệ dữ liệu cá nhân khỏi tập đoàn khổng lồ của Mark Zuckerberg. Những cách sống chung với lũ cũng xuất hiện như ẩn danh tài khoản, nhắn tin nhóm, vô hiệu hóa Facebook… nhưng tất cả đều không đạt được kết quả hoàn hảo.

Gần đây có tính năng “story” phát triển đầu tiên bởi Snapchat. Những hình ảnh, video sẽ tự động biến mất sau một khoảng thời gian cho sẵn. Cái hay của tính năng này là hướng trọng tâm vào những khoảnh khắc vui nhộn tức thì. Không có gì đáng lo ngại lắm về hậu quả vì nó sẽ “bốc hơi” sau vài tiếng (dù vậy, người khác vẫn có thể chụp màn hình). Instagram tiết lộ đang có 300 triệu người dùng tính năng này hàng ngày trên ứng dụng của họ.

Xu hướng của người dùng đang có sự phân hóa mạnh mẽ. Thay vì tiếp tục sử dụng những nền tảng lớn, họ tìm đến những nền tảng nhỏ hơn, riêng tư hơn. Đó là nơi họ cảm thấy an toàn, thân thiện và muốn gắn bó nhiều hơn. Đây chính là điều mà những nền tảng lớn không thể có được. Thay vì chia sẻ một tấm hình tối qua chơi tới bến với mọi người trong friendlist như Facebook, chúng ta chỉ chia sẻ tấm hình đó với những người chúng ta quan tâm nhất. Sự thật là chúng ta vẫn thích chia sẻ những thứ linh tinh không nên chia sẻ, nhưng chính yếu là sau đó chúng ta không muốn quan tâm tới trách nhiệm về những thứ đó.