Nỗi nhớ vô hình

Nỗi nhớ vô hình

Đó là một sáng trên đường đi Cà Mau. Để trú cơn mưa đầu mùa bất ngờ ập tới, tôi tắp vào mái hiên nhỏ bên đường. Chủ nhà là một bà già thấy tôi đứng bên ngoài bèn kêu vô đây đục mưa nè con, con đi đâu, uống gì không bà pha. Có ghế ngồi có nước xong xuôi, như thói quen cố hữu của người già ‒ bà bắt đầu gợi chuyện rồi tự kể. Thấy tôi ngắm đứa bé đang ngủ võng, bà tặc lưỡi phân trần mẹ nó đi lột tôm tới trưa mới về. Bà kể tiếp về đứa cháu trai lên tuốt Bình Dương mần mướn, để vợ con ở lại, cả năm chỉ về đôi ba lần. Bà bâng quơ nhìn qua bờ sông bên kia đường hỏi tôi tụi trẻ bây giờ sao mà tha hương hết. Bên kia bờ sông là 3 cây bạch đàn với hai cây cao và một cây thấp hơn ở giữa. Vài chiếc xe tải thỉnh thoảng băng qua, mưa cứ đập xuống nhạt nhòa. Tôi nằm võng nghe nỗi lòng của một bà già xa lạ.

Lần khác, tôi ăn cơm tối một tiệm dưới gầm cầu Tân Thuận. Lúc về mưa ào qua không có áo, đành ngồi trong quán ngó ra bờ sông thì thấy có chiếc ghe đang đậu đối diện. Người đàn ông trên mũi ghe cởi trần ngồi khúm núm, nhìn qua bên đây chiếc TV 32 inch của tiệm ăn đang chiếu em đi trên cỏ non. Kế bên ông là độ chục vỏ bình nước lọc 20 lít và một cái ăng ten thời hồi đó nhỏ xíu - chắc đã vô dụng vì sóng truyền hình VHS đã bị tắt. Khung cảnh thật thảm hại: trời mưa lất phất ướt cả người, cả ghe, cả đồ vật, nhưng tôi thấy môi ông vẫn nhẩm theo từng câu hát như chất chứa nỗi niềm gì…

Hai ký ức không đầu không cuối. Hai người không tên không tuổi. Hai cơn mưa ở hai nơi. Tưởng chẳng bao giờ ấn tượng trí nhớ. Vậy mà hôm nay tình cờ xem lại ảnh cũ, tự dưng thấy khuôn mặt vô danh kia hóa thân thương, tự dưng đồng cảm một thứ gì đó vô hình, rồi nỗi buồn nhớ quê hương khôn nguôi trào về.

“Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…”
‒ Sơn Nam