Nỗi sợ

Nỗi sợ
Photo by Benjamin Davies / Unsplash

Nỗi sợ là một phản ứng cảm xúc, hay đúng hơn là một bản năng nguyên thủy bảo vệ chúng ta khỏi những mối nguy hiểm. Nhưng giống như hầu hết mọi thứ, ích lợi luôn đi kèm cái giá phải trả.

Mối nguy hiểm không phải lúc nào cũng xấu. Đôi khi, mối nguy hiểm sẽ mở ra cuộc phiêu lưu thú vị. Nếu một người được che chở quá lâu, họ sẽ khó trưởng thành. Trong trường hợp này, nỗi sợ sẽ có tác dụng ngược lại. Thay vì giúp đỡ, nó hủy hoại con người.

Nó không giết chết con người mà giết chết những gì con người có thể trở thành. Nó sẽ khiến con người ở mãi trong “vùng thoải mái” của họ, đến mức họ không bao giờ thoát ra được.

Một chiếc giường êm ái rất tốt cho giấc ngủ ngon hoặc việc làm tình (hehe), nhưng nằm trên giường cả ngày khó thể gọi là tốt. Nó giống như câu ngạn ngữ:

"Một con tàu an toàn nhất khi ở bến cảng, nhưng đó không phải mục đích nó được tạo ra."

Xen giữa bến cảng an toàn và đại dương mạo hiểm là vùng nước sợ hãi của những điều chưa biết. Chúng ta sợ những gì chúng ta chưa biết – đó chính là mấu chốt của nỗi sợ.

Điều bạn muốn sẽ nằm ở phía bên kia của nỗi sợ

Có một bộ phim mà tôi từng xem nhưng quên tên. Đại loại, có một người đàn ông sợ chết đến nỗi không bao giờ ra khỏi nhà. Đến nỗi, ông ta loại bỏ bất cứ thứ gì có thể gây hại cho mình, ngoại trừ những thứ mang lại cảm giác thoải mái. Ngày nọ, khi đang ngủ, một chiếc quạt trên người ông ta bị lỏng khỏi mạch điện và rơi vào người, khiến ông ta lìa đời. Tôi đã cười rất tươi khi xem cảnh này (có thể bạn cũng đang cười khi đọc đến đây).

Để vượt qua bất kỳ thử thách hoặc cột mốc quan trọng nào, đầu tiên bạn phải vượt qua nỗi sợ. Mà như đã nói ở trên, bạn không sợ làm điều gì đó, bạn sợ điều gì đó chưa biết có thể xảy ra.

Bạn sợ tiếp cận cô gái bạn thích không phải vì bạn sợ cô ấy, mà bạn sợ bị từ chối. Bạn sợ lên sân khấu không phải vì bạn sợ sân khấu hay khán giả, bạn sợ rằng nếu bạn làm gì đó bất cẩn trên sân khấu, sự phán xét gay gắt của khán giả sẽ đánh gục bạn và bạn sẽ không bao giờ đặt chân lên sân khấu được nữa.

Tất cả những nỗi sợ hãi này đều hợp lý. Nhưng hãy nghĩ xem, lúc nhỏ nếu cứ sợ vấp té, có lẽ bây giờ bạn đã không thể bước đi trên hai chân.

Quan trọng là niềm tin

Hãy đặt niềm tin một lần. Đặt niềm tin vào bản thân và đặt niềm tin vào những gì tốt đẹp xảy ra nếu bạn dũng cảm vượt qua.

Dũng cảm không có nghĩa là không sợ gì, mà là làm những gì bạn phải làm, khi bạn đang sợ.

Nếu bạn có thể tiến tới những điều chưa biết với một trái tim mạnh mẽ,

Nếu bạn có thể đối diện với nỗi sợ của bản thân với đôi mắt tinh ranh,

Thì bạn sẽ có thể trở thành phiên bản tốt hơn mà bạn luôn mong muốn.

Đừng là một thủy thủ hèn nhát, chưa ra biển đã sợ chìm tàu.