Thương mãi một mùa gió chướng

Thương mãi một mùa gió chướng
Ảnh chụp ở kênh Nhà Mát – Bạc Liêu

Ở quê độ này đã vào mùa gió chướng – loại gió mà trong truyện Nguyễn Ngọc Tư gọi là “gió mùa thao thức”.

Ngọn gió chướng từ biển thổi vào, mang hơi lành lạnh buổi sớm mai, nhưng sau đó nắng âm ỉ cả ngày làm mặt đất khô rang. Cây cối, vườn tược xác xơ vì hơi nước mặn. Gọi gió “chướng” không sai vì nó cứ quá quắt thổi hoài thổi miết, làm tung bay cát và lá cây mãi tận cho tới Tết.

Khó chịu xíu thôi chớ cũng thương ngọn gió chướng lắm. Nó nhắc về những ký ức, những niềm nhớ mơ hồ không thể gọi thành tên nếu không có làn gió mát lạnh mơn lên da gợi ý.

Như lúc còn nhỏ, sáng ngủ dậy ra lu nước mưa bên hè múc một thau mát rượi rửa mặt, rồi xong trèo lên cây so đũa bẻ từng bông trắng tinh cho chị nấu canh chua. Chiều coi người ta đốt cỏ, từng đụn khói bay lên lộng lẫy mây trời. Tối nằm trong nhà nghe cái bịch là biết cây quách trước nhà lại rụng trái. Bông so đũa, khói đốt đồng, cây quách ra trái... là những đặc trưng riêng ở mùa gió chướng miền Tây.

Mùa gió chướng cũng là mùa kênh rạch dâng nhiều nước. Lại nhớ cái rạch trước nhà có hàng dừa nước um tùm với cụm cây bần cây vẹt; sáng sáng còn đang đắp mền ngủ thì đâu đó bên sông vọng qua tiếng cải lương, thỉnh thoảng bị át ngang bởi đôi tiếng máy nổ chạy đò. Giờ tất cả đã thành dĩ vãng.

Năm nào cũng vậy, tới tháng này nghe gió liu riu mà nhớ đủ thứ chuyện, nhưng không có cái gì rõ ràng, chỉ nhớ vậy thôi. Không biết có ai ở miền Tây cũng nhớ giống mình không nữa.

...Hay là chỉ những người xa xứ mới nhớ sông nhớ gió?!