Tro Tàn Rực Rỡ

Tro Tàn Rực Rỡ

Nếu là một người miền Tây chính gốc xem Tro Tàn Rực Rỡ, hẳn bạn sẽ thấy đâu đó vừa quen vừa lạ.

Ngay từ đám cưới đầu phim, màu sắc và ánh sáng gợi nhớ ngay về những năm 2001 – cái thời mà đám tiệc buổi tối còn chạy máy phát điện, rạp cưới dựng bằng lá dừa, bia lon chưa tràn ngập và ban nhạc chơi đàn thay vì loa kẹo kéo.

Quen sao những xóm nhỏ bình yên dọc theo kênh rạch, “Tẻ nhạt hết sức nơi cái xóm Thơm Rơm này, nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau; nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà”.

Hoặc những khu chợ nhà lồng dơ mèm có bậc thang dẫn lối ra sông để người đi chợ bước xuống đò về.

Hay những người đàn ông quần áo lúc nào cũng dơ sình, ngày ngày quảy theo cái thau hay can nhựa khoét lỗ đi kiếm cá, bắt ba khía.

Nhưng bạn sẽ thấy lạ hoắc vì lời thoại quá văn học, dễ nhận nhất là lời dẫn truyện giọng Việt lơ lớ của nhân vật chính Hậu (Bảo Ngọc Doling) khiến phim thiếu hẳn chất giọng miền Tây.

Hóa trang chân dung Nhàn (Phương Anh Đào) và Hậu chưa thật sự thuyết phục, vẫn có cảm giác hai nhân vật như hai cô gái thành thị mới về quê ăn Tết một vài tuần; bù lại cả ba nữ chính đều diễn xuất ở mức chấp nhận được. Hạnh Thúy nhập vai người phụ nữ khùng rất tốt, tiếc là đất diễn không nhiều.

Hai nam chính cũng diễn tốt. Dương (Lê Công Hoàng) thể hiện tốt biểu cảm nét mặt, mấy lần ngồi cùng hôn thê bất đắc dĩ của mình tạo ra nét tương phản khắc họa sâu cá tính của nhân vật. Tam (Quang Tuấn) thì nổi trội ở diễn xuất hành động. Dương và Tam hợp lại khắc họa trúng phốc một phần lớn những người đàn ông miền Tây hiền lành, chịu khó nhưng vô tâm, hành động như con nít.

Mỗi khung hình đều có ngôn ngữ điện ảnh: Góc quay chọn lọc, lửa đẹp, sông nước đẹp, con người đẹp. Âm nhạc phù hợp và được tiết chế tối đa, không như mấy phim bộ đài Vĩnh Long cứ tới cảnh buồn buồn là kéo đờn cò rên rĩ.

Phim buồn, nhưng buồn ở mức chưa quá lay động cảm xúc vì nhịp phim cắt cảnh theo nguyên tác khá nhanh và nhiều. Cao trào cảnh này vừa chạm nhẹ thì cảnh mới chuyển đến ngay, thành ra cảm xúc trồi tuột như dích dắc. Cũng cần phải nói, việc chuyển tải trọn vẹn cốt cách và ý tứ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh vốn dĩ không dễ, vì nó giàu nhiều lớp triết lý và thấm đẫm văn hóa của vùng đất miền Tây.

"Người ta té sông, ông đọc kinh sám hối thì tự dưng người ta nổi lên sao? Phải lấy tay mình kéo họ kìa, ông ơi"

Đúng như tên phim, mỗi nhân vật có một ngọn lửa âm ỉ riêng trong lòng, chỉ cần bén mồi khao khát yêu thương thì ngọn lửa ấy sẽ bùng lên một lần huy hoàng, để rồi sau tất cả chỉ còn lại đống tro tàn rực rỡ.

Đám cưới. Tiệc rượu say. Những ẩn ức trong tình yêu. Những hành động khó lý giải… Tôi thấy Tro Tàn Rực Rỡ tựa một phiên bản miền Tây của Chơi Vơi.